Hiểu được lí luận về năm thứ bậc nhu cầu con người của Maslow rất quan trọng đối với người quản lí doanh nghiệp.
Có rất nhiều người dám từ bỏ môi trường làm việc với mức lương cao để đến những nơi xa xôi nghèo khó dạy học. Chúng ta cũng rất dễ thấy, một số bạn bè xung quanh mình, mặc dù mức lương không cao, nhưng nếu bạn nói rằng sẽ giới thiệu cho họ vào làm ở công ty có mức lương cao hơn, chưa chắc họ đã đồng ý.
Ngoài tâm lí không muốn thay đổi chỗ làm, còn vì công việc hiện tại thích hợp với họ, được người nhà và bạn bè ủng hộ, môi trường công việc và không khí làm việc thân thiện hoặc họ được lãnh đạo coi trọng khiến họ không muốn chuyển việc. Tóm lại không phải là tiền lương giữ chân họ ở lại, mà còn do một số nguyên nhân khác. Đứng từ góc độ quản lý, một điều rất quan nhà lãnh đạo nên lưu ý là cần hiểu được con người là thế nào, mới hiểu được doanh nghiệp cần những nhân viên như thế nào.
Nhà tâm lí học nổi tiếng người Mĩ – Abraham Maslow năm 1944 đã đưa ra lí luận về năm thứ bậc nhu cầu của con người. Hiểu được lí luận về năm thứ bậc nhu cầu con người của Maslow rất quan trọng đối với người quản lí doanh nghiệp. Trong môi trường quản lí doanh nghiệp hiện đại, nhân viên chính là lực lượng sản xuất đầu tiên của doanh nghiệp. Người quản lí doanh nghiệp cần thực hiện cơ chế khích lệ nhân viên có hiệu quả cao và mang tính thiết thực, đúng đắn, do đó cần tìm hiểu toàn bộ nhu cầu tâm lí của nhân viên để có thể đáp ứng nhu cầu của họ một cách thiết thực nhất.
Tháp nhu cầu Maslow.
Nhu cầu an toàn và sức khỏe: Con người hiện đại càng ngày càng coi trọng sự an toàn và sức khỏe, nếu không vì cuộc sống bức bách, hầu như tất cả mọi người đều không muốn làm công việc tổn hại đến sức khỏe của bản thân. Ở vị trí làm việc của mình, tất cả nhân viên đều hi vọng doanh nghiệp bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho họ.
Nhu cầu tình cảm: Là con người, nhân viên đương nhiên không muốn ngày nào mình cũng phải đối mặt với người quản lí có bộ mặt lạnh băng và nghiêm khắc, khó gần. Họ hi vọng làm việc trong môi trường thoải mái, hi vọng mình được lãnh đạo và đồng nghiệp quan tâm. Đặc biệt khi gặp khó khăn, tâm lí của nhân viên sẽ trở nên yếu đuối, do đó họ càng cần sự quan tâm của doanh nghiệp.
Nhu cầu tôn trọng: Nhân viên không chỉ mong muốn nhận được sự tôn trọng của người quản lí và đồng nghiệp, mà còn hi vọng các quyền lợi khác của mình cũng được tôn trọng. Doanh nghiệp cần để nhân viên thấy rằng địa vị xã hội, nhu cầu tinh thần, đãi ngộ vật chất… của họ cũng được tôn trọng.
Sự tôn trọng là chất kích thích khiến nhân viên tự tin và bộc lộ tinh thần hăng hái. Sự tôn trọng lẫn nhau giữa cấp trên và cấp dưới sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần lớn, giúp cho giữa các nhân viên trong doanh nghiệp trở nên gắn bó hơn, thúc đẩy việc hình thành sự đoàn kết gắn bó trong tập thể doanh nghiệp.
Chắc hẳn mọi người đều rất quen thuộc với câu nói “Thành quả của doanh nghiệp là kết quả nỗ lực của toàn thể nhân viên”, về hình thức, người quản lí nói câu này rất tôn trọng nhân viên, nhưng khi đề cập đến lợi ích của từng nhân viên, người quản lí thường dùng lợi ích của cả tập thể để mượn cớ từ chối khen thưởng họ.
Có lẽ bạn đã nhiều lần được nghe câu nói của lãnh đạo “Chúng tôi không thể ưu ái cho trường hợp của riêng bạn, nếu không các nhân viên khác sẽ tị nạnh, so bì”, hoặc “Công ty đã có quy định như vậy, bạn không muốn làm thì có thể nghỉ việc, khi có nhiều người làm, chúng tôi lo gì không tìm được nhân viên giỏi”. Lúc này, nhân viên sẽ nghĩ “tôn trọng giá trị và vị trí của nhân viên” chỉ là khẩu hiệu giả dối của công ty mà thôi.
Hiển nhiên, nếu người quản lí không đặt mình vào hoàn cảnh của nhân viên, hiểu và tôn trọng họ thì sẽ đưa ra những quyết định và phán đoán đi ngược lại với suy nghĩ của họ, hạ thấp sự tích cực, khiến lòng nhiệt tình của họ giảm xuống và họ sẽ coi công việc như một kiểu đối phó, làm việc vì tiền lương mà thôi. Cách khích lệ như vậy khiến cho tình trạng lười biếng, vô trách nhiệm của nhân viên tiếp tục xảy ra.
Nhu cầu phát triển và thể hiện bản thân: Nhân viên nào cũng có kế hoạch phát triển sự nghiệp và lí tưởng cá nhân, hơn nữa rất nhiều người muốn thông qua công việc để thực hiện mục tiêu này. Nếu doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho nhân viên, đáp ứng nhu cầu phát triển của họ, nhân viên sẽ rất hài lòng về doanh nghiệp. Ngoài ra, nhân viên muốn thực hiện giá trị của bản thân qua công việc, mong muốn cấp trên thừa nhận mình, đồng thời hi vọng doanh nghiệp tạo điều kiện làm việc cần thiết và môi trường làm việc tự do để bản thân họ có thể phát huy hết năng lực của bản thân. Đồng thời, nhân viên cũng rất để ý đến thành quả công việc của mình có được lãnh đạo, đồng nghiệp coi trọng và thừa nhận hay không.
Nhu cầu cá nhân: Ví dụ: thứ mà một số nhân viên mong muốn nhất không phải là tiền lương, mà chính là thời gian làm việc tự do, thoải mái. Đối với họ, được làm việc tự do còn quan trọng hơn tiền bạc. Đương nhiên, một số nhu cầu của nhân viên cũng đi ngược lại chế độ của công ty, công ty có thể căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định có đáp ứng nhu cầu đó hay không.
Nhân viên có độ tuổi khác nhau, giai đoạn làm việc khác nhau lại có yêu cầu khác nhau. Ví dụ, theo điều tra, nhân viên từ 18 đến 30 tuổi rất quan tâm đến “tiền lương” và “cơ hội học tập”; nhân viên từ 30 đến 45 tuổi rất quan tâm đến “môi trường phát triển lâu dài” và “cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp”; nhân viên từ 45 tuổi trở lên không có nhu cầu học tập và thăng tiến, mà là chế độ hưu trí, bảo hiểm có tốt hay không.
Tóm lại, nếu người quản lí doanh nghiệp không thu được hiệu quả khích lệ lí tưởng thì cần xem xét bản thân đã thực sự hiểu nhu cầu của nhân viên chưa, đặc biệt là nhu cầu về mặt tinh thần của họ.
Nguồn : Tri Thức Trẻ
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM : Chương trình ưu đãi đặc biệt Khóa học CEO – Giám đốc điều hành